

Chi tiết tin
Hiện nay, nông dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gò Công Đông đang tập trung xuống giống cho lúa vụ Đông Xuân năm 2021-2022. Đây là thời điểm cây trồng có mức tăng trưởng cao, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh sản xuất trong nông nghiệp, người nông dân hiện nay gặp phải những thách thức không nhỏ.
Theo kế hoạch vụ lúa Đông- Xuân 2021-2022, huyện Gò Công Đông gieo sạ gần 9000 ha. Để quản lý tốt sản xuất trồng trọt, dịch hại và phòng chống hạn, mặn có hiệu quả trong vụ Đông Xuân 2021-2022, góp phần đảm bảo diện tích, sản lượng cây trồng gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm phát triển bền vững. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân tập trung xuống giống theo lịch thời vụ từ ngày 01/11 - 10/11/2021 để thu hoạch ngay sau Tết Nguyên đán. Hướng dẫn lựa chọn giống lúa có năng suất, chất lượng cao, cứng cây để giảm đỗ ngã như: OM 5451, OM 6976, OM 4900, RVT, Đài Thơm 8, ST 24,VD 20; hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa... Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng. Không phun thuốc sâu giai đoạn trước 40 ngày sau sạ, vì cây lúa có khả đền bù phục hồi (ra lá mới thay thế). Không phun thuốc trừ sâu rầy ở mật số thấp chưa tới ngưỡng phòng trừ.
Nông dân huyện Gò Công Đông sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 2
Hiện tại, bà con nông dân đang khẩn trương cày xới, làm đất để xuống giống vụ lúa Đông- Xuân theo đúng lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Tính đến ngày 08/11, huyện Gò Công Đông có tổng diện tích xuống giống trên 3.145 ha. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến việc sản xuất và vận chuyển các vật tư đầu vào nông nghiệp, dẫn đến việc giá các mặt hàng như cây giống, phân bón tăng cao. Giá cả phân bón cũng là khó khăn chung mà người nông dân trên địa bàn huyện đang gặp phải trong vụ Đông Xuân hiện nay.
Trong vụ Thu Đông 2021 vừa qua, trên địa bàn huyện Gò Công Đông có trên 217 ha xuống giống không tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chức năng. Hiện trà lúa đang trong giai đoạn đoạn trổ trên 22 ha, giai đoạn chín 195,4 ha. Đối với số diện tích này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phối hợp vận động người dân sau khi thu hoạch lúa, chuyển sang canh tác cây trồng cạn ngắn ngày hoặc cắt vụ Đông Xuân 2021-2022 không xuống giống sau lịch thời vụ khuyến cáo.
Để việc sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 đảm bảo diện tích và sản lượng cây trồng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND các cấp khuyến cáo người dân tăng cường thực hiện các giải pháp để giảm giá thành sản xuất, thông qua giảm phân hóa học, giảm thuốc bảo vệ thực vật, làm đất kỹ, thoát nước tốt, chăm sóc tốt cho cây trồng, áp dụng biện pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật phòng chống hạn mặn trong mùa khô, nhất là tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng hạn, mặn.
Lê Khang,
Trung tâm VH-TT và Truyền thanh huyện GCĐ