

Chi tiết tin
Theo các vị cao niên vùng Gò Công kể lại: Nhà Bưu điện Gò Công được thành lập vào ngày 15/7/1863 theo quyết định của thiếu tướng hải quân De la Grandière, ngày trước nằm trên đường Đốc Phủ Đức, nay là đường Hai Bà Trưng (thị xã Gò Công).Tòa nhà có kiến trúc đẹp, độc đáo do người Pháp xây dựng để chuyển thơ từ, bưu kiện từ Gò Công lên Mỹ Tho, Sài Gòn hay các nước Đông Dương.
Trước đây, việc chuyên chở thơ từ do Công ty vận tải đường sông đảm nhiệm nhưng đến ngày 23/2/1918 thì công việc này giao lại cho xe hơi chuyên chở từ nguồn ngân sách đài thọ của địa phương. Năm 1936, nhân viên nhà Bưu điện gồm có: 1 Tham tá là người bản xứ, người dân quen gọi là “cò mi”, phụ việc thì có 3 thư ký, 2 bưu tá và 1 giám thị. Hoạt động vận chuyển của nhà Bưu điện Gò Công theo hai lộ trình: thứ nhất, từ Gò Công đi Sài Gòn qua Cần Đước, Cần Giuộc và Chợ Lớn; thứ hai, từ Gò Công đi Mỹ Tho qua Chợ Gạo.
Nhà Bưu điện Gò Công
Đến năm 1954, nhà Bưu điện Gò Công ngoài chức năng chuyển thơ bằng xe hơi còn có thêm chức năng gởi và nhận điện tín nhờ đường dây giăng trên cột đúc từ Gò Công lên đến Mỹ Tho, rồi từ Mỹ Tho đi khắp các nước Đông Dương. Đường tráng nhựa từ Gò Công lên Mỹ Tho cũng được gọi là Lộ dây thép (nay là Quốc lộ 50). Song song với điện tín thì việc phát triển điện thoại cũng theo đường dây này cho đến ngày nay.
Ngày trước, nếu muốn gửi tin nhanh hơn thơ thì gởi điện tín. Điện tín sử dụng bộ máy của ông Morse phát minh. Chữ được đánh theo tín hiệu chấm và gạch gọi là bộ chữ Morse. Trạm sẽ nhận giải mã thành chữ không dấu và in trên giấy màu xanh dương (biểu trưng cho niềm hy vọng). Việc gởi điện tín mà dân gian hay gọi là “gõ dây thép” thường xuất hiện trong các tiểu thuyết đậm chất Nam bộ của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Ngoài ra, nhà Bưu điện còn có chức năng gởi bưu kiện, phát bưu phiếu, người dân quen gọi người làm công việc này là “măn đa”.
Ngoài nhà Bưu điện tại trung tâm hành chính thì Bưu điện ở nông thôn Gò Công cũng có 6 trạm: Bình Xuân, Đồng Sơn, Long Hựu, Tăng Hòa, Tân Niên Tây, Vĩnh Lợi cũng được thành lập cùng lúc với văn phòng chánh tại chợ Gò Công. Riêng đối với những làng không có Trạm thì các giáo viên làng quản lý việc phân phối thơ từ hoặc quản lý các văn phòng Bưu điện nông thôn.
Quỳnh Lam