

Chi tiết tin
Kho bạc Gò Công được người Pháp xây dựng vào khoảng năm 1910, đây là công trình nghệ thuật đẹp, độc đáo, một trệt một lầu, cửa sổ trang trí theo kiểu mái vòm đặc trưng của kiến trúc Pháp. Sở dĩ gọi là Kho bạc vì người Pháp bảo trợ các nước Đông Dương sử dụng tiền tệ theo “ngân vị bản”, tiền được bảo chứng bằng “bạc” chứ không phải bằng “vàng”. Thời kỳ này, ngân hàng Đông Dương phát hành hai loại tiền: tiền giấy và tiền đồng. Tiền giấy gọi là đồng bạc Đông Dương được sử dụng cả ba miền của nước Việt Nam, Lào và Campuchia.Tiền đồng gọi là đồng bạc Con Ó, đồng bạc này như đồng đô-la của người Mỹ.
Kho Bạc Gò Công
Khoảng năm 1915-1920 thì 20 đồng bạc Đông Dương mới mua được một lượng vàng nhưng đến năm 1942-1944 kinh tế các nước Đông Dương rơi vào khủng hoảng thì 100-150 đồng bạc Đông Dương mới mua được một lượng vàng. Sau năm 1954, Sở Kho Bạc được gọi là Ty Ngân Khố nhưng ký hiệu đồng bạc vẫn giữ cách viết ($)
Kho bạc Gò Công gắn liền với giai thoại về cậu hai Miêng (Huỳnh Công Miêng), con của Huỳnh Công Tấn. Giai thoại kể rằng:
Vì người Pháp trọng Huỳnh Công Tấn nên cho cậu hai Miêng sang Tây du học. Khi về nước hai Miêng theo Tổng đốc Trần Bá Lộc bình định “văn thân” vùng Thuận Khánh, Trung Kỳ. Sau đó, hai Miêng bỏ về Gò Công, không chịu làm cho Pháp mà chỉ thích làm “miễn tử lưu linh”. Người Pháp cưng chiều đến nỗi hai Miêng muốn bao nhiêu tiền cũng được, hai Miêng xài hết tiền thì đến Kho bạc viết “bông” (bon) đưa vào thì lấy tiền ra. Dân Nam Kỳ lục tỉnh truyền tai nhau khắp nơi:
Nam Kỳ có cậu hai Miêng
Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công”
Theo các vị cao niên kể lại: Lang bạc kỳ hồ, hào hiệp nghĩa khí là phần chính trong cuộc đời hai Miêng. Hai Miêng được người Pháp cấp mỗi tháng một số tiền nhất định, với tấm ngân phiếu (chèque) hay bông (bon), hai Miêng có thể mang đến Kho bạc lấy tiền bất cứ lúc nào. Người dân thật thà, chất phác, thấy hai Miêng hết tiền, đến Kho bạc lãnh trợ cấp tháng tới ra xài, tưởng hai Miêng hết tiền đến Kho bạc lãnh bao nhiêu cũng được. Sự việc hai Miêng đến Kho bạc lấy tiền một cách dễ dàng được dân gian vùng Gò Công truyền tụng:
“Cậu Hai cậu chớ có lo
Hết tiền cậu xuống dưới Kho lấy xài”
Quỳnh Lam